Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục phải bình đẳng về cơ hội

13:53 14/01/2021

(LĐBD) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 tổ chức ngày 31/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược với xu thế của thế giới. Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc giữa Bộ GD&ĐT với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị 

 

Năm học 2019 - 2020 là năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2019 - 2020 là năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn do dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước. Năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để sẵn sàng áp dụng từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đột phá của giáo dục ĐH trong thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Chỉ số nghiên cứu khoa học tăng mạnh. Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển mạnh mẽ; chuyển đổi số mạnh mẽ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, dạy học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình... 

Giáo dục phải bình đẳng về cơ hội

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định ngành giáo dục đã vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình và tiến bộ toàn diện trên nhiều mặt. Phó Thủ tướng đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục. “Tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Lãnh đạo các tỉnh/thành, ngoài vấn đề lo cho trường lớp thì lo cho giáo viên là hết sức quan trọng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung hơn đến văn hóa trong giáo dục. Giáo dục phải hội nhập quốc tế, điều gì đã là xu thế thế giới thì nhất định không đi ngược lại. Giáo dục liên quan đến toàn dân, mọi người ít nhiều đều có kinh nghiệm và hiểu biết thực tiễn về giáo dục góp ý, hiểu, đồng thuận và tham gia, cần hết sức cầu thị, tôn trọng để tiếp thu nghiêm túc. “Chừng nào người dân còn quan tâm đến giáo dục, đất nước còn hồng phúc”. Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số nguyên tắc: Với giáo dục phổ thông, Nhà nước phải lo, hoặc trực tiếp hoặc xã hội hóa, để đủ trường lớp, giáo viên, để học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi; phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. Chúng ta không được quên nguyên lý đã là giáo dục phổ thông thì phải bình đẳng về cơ hội. Chúng ta vẫn còn tình trạng thi vào đầu cấp rất kịch liệt. Đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược với thế giới,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Ngoài ra, cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học không chỉ là thiết chế của chính quyền mà còn phải là thiết chế của cộng đồng. Đổi mới giáo dục là một quá trình và chúng ta phải rất kiên trì, kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển góp ý: “Về GD đại học, năm học vừa qua đổi mới về tự chủ ĐH đã thực hiện rất quyết liệt, rất tốt. Cần tập trung củng cố Hội đồng trường ĐH, trong đó Chủ tịch Hội đồng trường đặc biệt quan trọng, phải chọn người có uy tín khoa học. Cần mở rộng đối tượng tham gia Hội đồng trường để thu hút nhân tài” . TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường-Trường ĐH Văn Lang đánh giá: Xã hội hóa giáo dục là một chính sách của Chính phủ, đã hình thành những hệ thống GD tư thục rất lớn mạnh, giúp giảm bớt áp lực, san sẻ bớt trách nhiệm với lĩnh vực GD công lập. Mong Chính phủ, Bộ GD-ĐT tiếp tục có những chính sách ủng hộ mạnh mẽ trong xã hội hóa giáo dục. Chính phủ, Bộ GD-ĐT cần chia sẻ nguồn lực trong lĩnh vực đầu tư công, đầu tư cho các ĐH xuất sắc hoặc những cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm lĩnh vực đầu tư tư thục, tư nhân vì đều là tạo ra lực lượng lao động cho xã hội, giúp xã hội phát triển. Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  mong ngành Giáo dục phải cần đi đầu trong chuyển đổi số, các cơ sở giáo dục đại học cần phải có các phòng lab.

Khắc Dũng


Tin khác